Có nên phẫu thuật tăng chiều cao không?

Có nên phẫu thuật tăng chiều cao hay không? Phẫu thuật tăng chiều cao có ảnh hưởng gì đến cơ thể và quá trình vận động sau này.

Ngày nay, phẫu thuật tăng chiều cao không phải là chuyện xa lạ. Hãy cùng Sức khỏe - Gia đình tìm hiểu phương pháp tăng chiều cao này trong bài viết dưới đây. Với những người đã qua tuổi phát triển chiều cao, đây chính là cách để hiện thực hóa mơ ước sở hữu tầm vóc lý tưởng. Bỏ qua các yếu tố về chi phí và thời gian, liệu rằng tăng chiều cao bằng cách phẫu thuật kéo dài chân có thật sự an toàn? Và ngay khi tất cả những điều này được đảm bảo, liệu cha mẹ có nên cho trẻ phẫu thuật tăng chiều cao?

Tại sao nên chú trọng tăng chiều cao từ lúc nhỏ?

Tại sao nên chú trọng tăng chiều cao cho trẻ ngay từ lúc nhỏ? Đáp án chính xác nhất mà Sức khỏe - Gia đình có thể giúp cha mẹ trả lời chính là: Bộ xương của mỗi người chỉ có một khoảng thời gian nhất định để phát triển chiều dài.

Quá trình phát triển chiều cao diễn ra suốt thời thơ ấu đến khi trưởng thành
Quá trình phát triển chiều cao diễn ra suốt thời thơ ấu đến khi trưởng thành.

Mỗi đứa trẻ khỏe mạnh đều có cơ hội đạt được chiều cao lý tưởng. Quá trình này diễn ra từ khi trẻ vừa ra đời đến năm 20, thậm chí 22 tuổi. Ở tuổi lên 3, nền tảng phát triển tầm vóc của mỗi trẻ là như nhau. Việc có đạt được chiều cao chuẩn khi trưởng thành hay không sẽ phụ thuộc vào lối sống trong những năm tháng tiếp theo. 

Trong khi đó, giai đoạn dậy thì được xem là “thời kỳ vàng” giúp trẻ đạt chiều cao chuẩn. Khi được đáp ứng đầy đủ các yếu tố cần thiết, trẻ có thể tăng thêm 5 - 10cm/năm. Các chuyên gia sức khỏe đã đánh giá, dậy thì là giai đoạn cơ thể trẻ có đầy đủ tiềm năng khắc phục những thiếu sót về tầm vóc. Nếu bỏ qua giai đoạn này, trẻ sẽ rất khó đạt chuẩn chiều cao khi trưởng thành.

Hầu hết các nghiên cứu về sự phát triển của xương hay tăng trưởng chiều cao đều chỉ ra một điểm chung, từ khoảng 18 - 20 tuổi sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào khác về chiều dài cơ thể. Điều này cũng có nghĩa là, từ độ tuổi này, chiều cao sẽ không tăng lên được nữa. Đây cũng là lý do tại sao các chuyên gia, bác sĩ đều khuyên cha mẹ chú trọng tăng chiều cao ngay từ lúc nhỏ cho con.

Mặc dù đây là một thông tin quan trọng, thế nhưng chưa có nhiều cha mẹ Việt nắm được điều này. Chỉ tới khi con trẻ đã bước qua giai đoạn dậy thì mới cuống cuồng tìm cách tăng chiều cao. Kết quả là, trẻ sở hữu tầm vóc thấp, gián tiếp ảnh hưởng đến những quyết định trong cuộc đời.

Với nhiều gia đình dư dả, cha mẹ đã lựa chọn cách phẫu thuật tăng chiều cao cho con. Liệu đây có phải là phương án an toàn?

Phẫu thuật tăng chiều cao có an toàn không?

Phẫu thuật tăng chiều cao hay tăng chiều cao bằng cách kéo dài chân là phương pháp cắt rời xương rồi dùng đinh làm điểm nối giữa hai phần xương đó. Sau một thời gian, thông qua quá trình ăn uống, canxi được bồi đắp và lắng đọng tại mối nối để tạo thành xương mới.

Theo đánh giá của các chuyên gia Hoa Kỳ, phẫu thuật tăng chiều cao là thủ thuật an toàn. Tuy nhiên, điều này chỉ được đảm bảo khi quá trình phẫu thuật được thực hiện tại cơ sở uy tín với đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao.

Nếu tay nghề của bác sĩ còn non kém, tất yếu quá trình phẫu thuật sẽ trở nên nguy hiểm. Những biến cố có thể gặp trong khi phẫu thuật như nứt xương, vỡ xương, tổn thương màng xương, đứt dây thần kinh, đứt gân. Nếu không được khắc phục kịp thời, con trẻ có thể bị nhiễm trùng xương, dẫn đến viêm xương, thậm chí phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng.

Chính vì vậy, khi đưa ra quyết định cho con phẫu thuật kéo dài chân, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ lưỡng về cơ sở, đội ngũ bác sĩ thực hiện. Ngoài ra, tìm hiểu cách chăm sóc cũng là điều cần thiết.

Phẫu thuật tăng chiều cao
Phẫu thuật tăng chiều cao an toàn khi được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, cơ sở uy tín.

Phẫu thuật tăng chiều cao 1 lần bao nhiêu tiền?

Chi phí phẫu thuật tăng chiều cao có thể khác nhau do nhiều yếu tố (cơ sở, đội ngũ bác sĩ, độ dài cần kéo,...). Tại các bệnh viện công, số tiền phẫu thuật có thể giao động ở mức 200 - 500 triệu đồng. Tại các bệnh viện tư, chi phí này có thể vượt mức 500 - 700 triệu đồng. Trong khi đó, nếu lựa chọn phẫu thuật tại nước ngoài, mức chi phí này có thể là hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng khi quy đổi sang tiền Việt Nam.

Chi phí của một số ca phẫu thuật kéo dài chân đã được thực hiện như:

  • Nam 32 tuổi, cao 1m60 đã thực hiện ca phẫu thuật kéo chân dài thêm 10cm với chi phí 350 triệu đồng (tên nhân vật đã được thay đổi).

  • Nguyệt 24 tuổi, cao 1m44 đã thực hiện ca phẫu thuật kéo chân dài thêm 4cm với chi phí 250 - 300 triệu đồng. 

  • Minh 30 tuổi, cao 1m58 đã thực hiện ca phẫu thuật kéo chân dài thêm 6cm với chi phí 250 triệu đồng.

  • Khoa Pug 30 tuổi, cao 1m67 đã thực hiện phẫu thuật kéo chân dài thêm 8cm tại Mỹ với chi phí 2 tỷ 3 đồng.

Có thể thấy, so với các quốc gia khác, phẫu thuật tăng chiều cao có thể giúp tiết kiệm hơn 50% chi phí y tế nước được thực hiện tại Việt Nam. Tại một số bệnh viện ở nước ta, phẫu thuật kéo dài chân được liệt kê vào nhóm phẫu thuật điều trị, có sự hỗ trợ của bảo hiểm y tế nên chi phí thực hiện thấp. Ngược lại, một số bệnh viện xếp phẫu thuật tăng chiều cao vào nhóm phẫu thuật thẩm mỹ nên chi phí sẽ cao hơn gấp nhiều lần.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí phẫu thuật bao gồm loại bệnh viện (bệnh viện công, bệnh viện tư nhân), trình độ tay nghề của các bác sĩ, thiết bị được sử dụng, cơ địa của chủ thể. Ngoài ra, vị trí xương được kéo dài cũng tác động không nhỏ đến chi phí.

Phẫu thuật tăng chiều cao tăng được bao nhiêu cm?

Phẫu thuật tăng chiều cao có thể kéo dài thêm từ 7 - 16.5cm
Phẫu thuật tăng chiều cao có thể kéo dài thêm từ 7 - 16.5cm.

Theo các chuyên gia, mỗi chân trên cơ thể chúng ta có thể kéo dài thêm 15 - 20cm. Đây là một con số lớn, thậm chí có thể giúp nhiều người “đổi vận”. Thế nhưng, đi kèm với nó là những rủi ro trong và sau quá trình thực hiện. 

Phần lớn các cuộc phẫu thuật tăng chiều cao hiện nay đều giúp tăng thêm 6 - 10cm. Đây cũng là mức tăng mà các bác sĩ thường tư vấn cho người thực hiện. Số đo này tạo với thân người sự cân xứng và cũng giúp hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.

Đùi và cẳng chân là hai vị trí thực hiện phẫu thuật tăng chiều cao. Với những người kéo chân lần đầu, các bác sĩ sẽ ưu tiên phần cẳng chân, chiều dài có thể kéo thêm tối đa là 8.5cm. Phẫu thuật kéo dài chân tại đùi thường thực hiện ở những người đã kéo dài ở cẳng thân. Tại vị trí này, xương có thể tăng thêm 8cm nữa.

Phẫu thuật tăng chiều cao có để lại di chứng gì không?

Có một thực tế là, phẫu thuật tăng chiều cao là cách cải thiện tầm vóc đầy rẫy nguy hiểm. Các biến chứng do phẫu thuật kéo dài chân có thể xuất hiện trong hoặc sau quá trình phẫu thuật, thậm chí là thời gian hồi phục.

  • Di chứng sau phẫu thuật tăng chiều cao

Rủi ro chính mà phần lớn các cuộc phẫu thuật tăng chiều cao gặp phải chính là không có sự phát triển của xương mới tại vị trí khớp nối giữa hai đầu xương cắt lìa. Trong trường hợp này, con trẻ có thể phải thực hiện lần phẫu thuật thứ hai. Theo đó, bác sĩ sẽ đưa xương trở về vị trí ban đầu rồi thực hiện lại quy trình kéo dài.

Chưa dừng lại ở đó, trẻ còn có thể gặp phải các biến chứng liên quan đến phần mềm như gân, cơ, thần kinh, dây chằng, mạch máu. Cha mẹ phải hiểu rằng, cơ thể phát triển theo cơ chế đồng thuận. Khi chiều dài xương tăng, các mô mềm cũng phải phát triển với tốc độ tương ứng. Nếu không, biến chứng hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo đánh giá, có khoảng 5 - 6% trường hợp phẫu thuật tăng chiều cao sẽ gặp các biến chứng:

- Tổn thương mạch máu do đinh xuyên qua dây thần kinh hoặc đục xương trong quá trình mổ

- Biến chứng ngắn gân do các phần mềm chưa bắt kịp tốc độ phát triển của xương

- Nhiễm trùng tại vị trí xuyên đinh (tuy nhiên có thể chữa khỏi bằng thuốc)

- Nhiễm trùng xương là biến chứng nguy hiểm nhất có thể xảy ra. Nếu không phát hiện sớm và cải thiện kịp thời có thể dẫn đến viêm xương, thậm chí phải cắt cụt chi.

Phẫu thuật tăng chiều cao có thể để lại những biến chứng vĩnh viễn
Phẫu thuật tăng chiều cao có thể để lại những biến chứng vĩnh viễn

  • Di chứng trong thời gian phục hồi

Di chứng sau phẫu thuật tăng chiều cao cũng có thể xuất hiện do những sự cố trong thời gian chăm sóc, phục hồi xương. Một số biến chứng có thể xảy ra như:

- Biến dạng khớp do đi lại hoặc tập luyện không đúng cách

- Lệch trục xương khiến xương cẳng chân lệch ra sau và xương đùi lệch vào trong

- Gãy xương khi thực hiện các hoạt động mạnh

- Tê liệt do các mô mềm không phát triển kịp lúc với xương chân

Ngay cả khi tháo bỏ khung chỉnh hình, biến chứng vẫn có thể xảy ra do xương khi này đã yếu hơn trước. Chính vì vậy, trẻ cần thật sự cẩn trọng trong các hoạt động thường ngày.

Phẫu thuật tăng chiều cao cần lưu ý những gì?

Về cơ bản, phẫu thuật kéo dài chân được khuyên thực hiện nhằm khắc phục tình trạng lệch chi bẩm sinh, tai nạn chấn thương xương,.... Đối với một người khỏe mạnh, tăng chiều cao bằng các phương pháp tự nhiên là cách tốt nhất. Trong trường hợp vẫn lựa chọn thực hiện phẫu thuật tăng chiều cao, hãy lưu ý những điều sau để đảm bảo an toàn:

- Tìm hiểu chi tiết về phương pháp phẫu thuật tăng chiều cao trước khi đưa ra quyết định.

- Tham khảo thông tin về các bệnh viện, cơ sở phẫu thuật uy tín và chỉ thực hiện ở những nơi này.

- Chi phí phẫu thuật có thể cao nhưng luôn nằm trong mức trung bình của phương pháp này. Do đó, chớ ham rẻ mà “rước họa vào thân”.

- Tuân thủ theo các chỉ dẫn của bác sĩ.

- Tham gia đầy đủ các buổi tập luyện phục hồi chức năng.

- Chú ý trong việc ăn uống, hạn chế một số thực phẩm gây hại cho xương. 

- Đặc biệt lưu ý trong vận động vì xương khi này yếu, nếu không cẩn thận có thể gây di chứng.

Phẫu thuật tăng chiều cao​​​​​​​

Sau cuộc phẫu thuật, nên tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, tham gia tập luyện phục hồi chức năng để nhanh phục hồi hoặc sớm phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề phát sinh

Phẫu thuật tăng chiều cao ý kiến từ các chuyên gia

Chia sẻ với báo Thanh niên, BS. Calvin Q Trịnh - Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TPHCM cho biết, cơ thể đẹp không chỉ cần một đôi chân dài mà còn cần sự hài hòa giữa thân và chân. Kéo chân có thể khiến cơ thể bạn mất cân đối. Chân quá dài, lưng quá ngắn cũng làm cho cơ thể kém sang trọng.

Để biết được sự cân đối giữa chân và cơ thể, hãy áp dụng công thức tính chỉ số Skelie. Trong đó: Chỉ số Skelie = (Chiều cao đứng - Chiều cao ngồi) : Chiều cao ngồi x 100. Nếu kết quả nằm trong khoảng 85 - 89 thì được xem là vừa phải. Nếu trên 90 thì đang có sự chênh lệch về chiều dài chân.

Theo TS BS. Đinh Văn Thủy - Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TPHCM, chiều cao mới nên tỷ lệ thuận với chiều cao trước đó. Chẳng hạn, người cao 1m70 có thể lên 1m80 nhưng người cao 1m50 muốn cao lên 1m70 thì khá khó. Không chỉ khó khăn trong việc phẫu thuật mà còn dễ để lại các di chứng. 

BS. Calvin Q Trịnh cho biết thêm, khi kéo dài chân cần phân biệt trường hợp người bệnh đó là dị tật, bệnh lý hay nhu cầu thẩm mỹ. Và cũng cần lưu ý một điều rằng, bất kỳ ca kéo chân nào cũng có thể xuất hiện biến chứng, không có tỷ lệ thành công hoàn toàn. Ngay cả trong thời gian phục hồi, các biến chứng vẫn có thể xảy ra. Nếu không được cải thiện kịp thời, có thể dẫn đến lệch vẹo toàn thân.

Phẫu thuật tăng chiều cao là cách cải thiện tầm vóc theo ý muốn và nhanh nhất. Thế nhưng đổi lại, nó cũng đi kèm với loạt hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe, chi phí đắt cũng là vấn đề. Tại sao cha mẹ phải chi một khoản tiền lớn trong khi trẻ hoàn toàn có thể đạt được chiều cao một cách tự nhiên? Tại sao con trẻ phải đối mặt với nguy cơ lùn, nguy cơ di chứng do phẫu thuật khi chúng có một khoảng thời gian từ 5 - 20 tuổi để đạt được chiều cao mong muốn? Hy vọng rằng cha mẹ đều nắm bắt được điều này. Hãy tận dụng tốt 3 giai đoạn để giúp trẻ đạt được chiều cao mong ước.