1. Giúp trẻ "khai phá" năng lực quan sát thế giới tự nhiên
Trong giai đoạn trẻ từ 0 – 3 tuổi, các bà mẹ Nhật thường sẽ dạy cho trẻ quan sát cảnh vật xung quanh trong thế giới tự nhiên không chỉ ở nhà mà còn ở trường, bởi đây cũng là lúc não bé tiếp nhận thông tin nhanh nhạy nhất. Đó cũng chính là lý do mà các trường mẫu giáo Nhật đều cho bé đi dạo công viên vào buổi sáng để tắm nắng cũng như khám phá thiên nhiên.
Từ 0 - 3 tuổi trẻ luôn được bà mẹ Nhật tạo điều kiện để bé quan sát, tiếp xúc với thiên nhiên nhiều hơn
Cụ thể, theo người Nhật, trẻ trong độ tuổi này ngoài việc đi dạo để tiếp xúc với thiên nhiên và quan sát sự vật xung quanh thì còn tạo điều kiện để trẻ được suy nghĩ cũng như làm những điều mà trẻ muốn, giúp trẻ biết cách cảm thụ cũng như bày tỏ cảm xúc khi đứng trước một cảnh quan đẹp và được hướng dẫn sử dụng các tính từ này. Bên cạnh đó, đây cũng là thời kỳ mà trẻ cần được trải nghiệm các cảm thụ khoa học và có thể đặt ra những câu thắc mắc như: Tại sao chạm tay vào áo len thì bị giật hay khi thổi hơi vào kính thì kính mờ…
2. Vai trò của người mẹ luôn được nhấn mạnh
Với cách dạy con kiểu Nhật thì vai trò của người mẹ luôn được xem là trọng yếu. Do đó, khi bé chào đời, những bà mẹ bỉm sữa Nhật luôn chú ý các nguyên tắc nuôi con như:
- Trong 6 tháng đầu cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ với mục đích ngoài cung cấp đủ dinh dưỡng thì còn giúp giảm nguy cơ mắc chứng tự kỷ, cho trẻ phát triển tốt nhất.
- Để tạo sự gắn kết, gần gũi, các bà mẹ Nhật luôn bế bé ở đằng trước. Tuy nhiên, các bà mẹ Nhật cũng luôn ý thức được rằng, là phải nghiêm khắc rèn luyện cho bé tính kỷ luật ngay khi còn nhỏ, chẳng hạn như ngủ sớm, dậy sớm, ăn đúng giờ .
- Từ lời nói đến hành động các bà mẹ Nhật thường xuyên lặp lại để bé bắt chước.
- Khi bé lên 2 tuổi, các bà mẹ Nhật thường hướng dẫn bé chơi với các bạn đồng trang lứa để nuôi dưỡng tính xã hội, tinh thần tập thể.
Ngoài ra, những bà mẹ xứ Hoa Anh Đào cũng luôn tạo điều kiện để bé phát triển tự nhiên như tạo môi trường phong phú để bé tiếp xúc, tìm hiểu, hướng dẫn cho bé chứ không áp đặt.
3. Truyền cảm hứng và kích thích trí tò mò của bé
Dạy con kiểu Nhật thường chú trọng đến khơi gợi yêu thích cho bé chứ không mang tính ép buộc và điều này cũng được áp dụng ngay cả với việc học tập của trẻ. Theo đó, những lời khen và kỷ luật đúng cách sẽ là cách giúp bé hiểu cũng như phân biệt được việc tốt, xấu chứ không phải là tức giận, la mắng. Nếu các bậc phụ huynh kể cho bé nghe những câu chuyện nhiều lần sẽ kích thích bé muốn tự mình kể lại câu chuyện đó. Đặc biệt, không áp đặt các chi tiết, chỉ quan sát và hỗ trợ sẽ giúp cho bé thỏa sức sáng tạo, thậm chí có thể kể sai với nguyên tác sẽ giúp bé phát triển trực giác rất tốt và đây cũng là ưu tiên hàng đầu của phụ huynh Nhật.
Lời khen sẽ là cách giúp bé hiểu được sự việc đúng sai, tốt xấu có nên tiếp tục làm hay dừng lại
4. Thai giáo
Đây một trong những mắt xích quan trọng trong cách dạy con của người Nhật. Không chỉ khi con chào đời mới dạy mà ngay cả khi con ở trong bụng, các bậc phụ huynh Nhật thường dùng âm nhạc, chuyện kể, trí tưởng tượng để kết nối cũng như hướng dẫn bé tiếp xúc với cuộc sống ngay từ khi còn là thai nhi. Cho đến khi bé ra đời thì những gì đẹp nhất như bản nhạc, tranh ảnh họ cũng cho con tiếp xúc ngay để nuôi dưỡng cũng như khơi gợi tình yêu nghệ thuật cũng, tính thẩm mỹ cho bé.
5. Sáng tạo và kỹ năng
Khả năng sáng tạo và kỹ năng ở bé cũng là yếu tố mà người Nhật chú trọng nhiều. Cũng bởi vậy mà họ đã phát triển các trò chơi cũng như các phương pháp để hỗ trợ cho bé phát triển tư duy, khả năng ngôn ngữ, phối hợp cơ thể… Cụ thể, người Nhật sẽ đưa cho bé một cây bút chì, mảnh giấy trắng lớn để bé thoả sức sáng tạo. Thay vì mua nhiều đồ chơi, các bà mẹ xứ này chỉ mua một vài món nhưng nó lại có cách sử dụng linh hoạt nê có thể giúp bé thỏa sức sáng tạo với trò chơi của mình.
Để trẻ tự sáng tạo sẽ là cách kích thích tư duy trẻ phát triển hữu hiệu nhất
Bên cạnh cho con chơi những trò như diễn kịch, nặn đất sét, gấp giấy origami để kích thích sự sáng tạo ở bé cũng như nâng các trải nghiệm của bé với cảm xúc. Các bậc phụ huynh Nhật còn giúp bé tiếp xúc sớm với những công việc nhà và yêu cầu bé phụ giúp một số việc nhà. Cách này sẽ giúp cho bé sớm chủ động trong cuộc sống của mình cũng như sớm biết chăm sóc bản thân.
Một số lưu ý mà bố mẹ nên tránh
- Không nên nhắm đến việc chuẩn bị điều kiện để bé có thể bước vào trường mẫu giáo.
- Hãy kiên nhẫn và dành nhiều thời gian cho trẻ vì bố mẹ chính là người thầy lớn nhất của con
- Không nên áp đặt ý muốn của mình thành sở thích của bé mà hãy chỉ ở bên cạnh nâng đỡ, hướng dẫn và điều chỉnh để bé có thể đi đúng hướng.
- Nên dạy con cách tin tưởng vào người khác để có cái nhìn lạc quan, hướng thiện sau này.